Bối cảnh Chiến_dịch_Tĩnh_Nan

Sau khi thành lập triều Minh, Minh Thái Tổ bắt đầu củng cố quyền lực của hoàng gia. Ông giao nhiều vùng lãnh thổ cho các hoàng thân và cho họ nhận chức trên khắp đế chế. Các hoàng thân không có quyền lực hành chính trên lãnh thổ của họ, nhưng họ nắm giữ binh quyền một đạo quân riêng, số lượng khoảng từ 3.000 đến 19.000 người.[2] Các phiên vương tại phía bắc còn có quân số lớn hơn rất nhiều. Ví dụ, Ninh Vương Chu Quyền được cho là nắm trong tay hơn 80.000 quân.[3]

Thái tử Chu Tiêu chết trẻ, con trai ông là Chu Doãn Văn đã được chọn kế vị. Chu Doãn Văn là cháu trai của các phiên vương, và ông cảm thấy bị đe dọa bởi sức mạnh quân sự của họ. Tháng 5 năm 1398, Chu Doãn Văn lên ngai vàng, tức là Minh Huệ Đế sau khi Minh Thái Tổ băng hà. Các hoàng thân đã được lệnh ở lại trong vùng lãnh thổ của mình trong khi hoàng đế mới bắt đầu lập kế hoạch cho việc làm giảm quyền lực quân sự của họ, với sự cố vấn của Tề Thái và Hoàng Tử Trừng.[4][5]